Xử lý như thế nào khi xe mất phanh?
Trong tình huống ô tô đang vận hành chẳng may mất phanh và tăng dần tốc độ, hơn lúc nào hết người lái cần bình tĩnh tìm cách xử lý cho xe dừng lại để hạn chế tối đa thiệt hại. Vậy đứng trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy người lái cần kỹ năng xử lý như thế nào?
Quả thật là một “cơn ác mộng” nếu chẳng may xe đang vận hành trên đường đèo dốc hay cao tốc… bỗng mất phanh. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, chúng ta phải làm như thế nào để giảm tối đa thiệt hại và quan trọng nhất là bảo toàn được tính mạng.
Mất phanh là môt "cơn ác mộng" thực sự của những tài xế khi đổ đèo hay di chuyển trên địa hình dốc
Để góp phần hạn chế tối đa trường hợp rủi ro này, trước hết những ai sử dụng ô tô cần nắm rõ những nguyên nhân thường dẫn đến việc xe mất thắng. Để có thể kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống liên quan trước khí vận hành cũng như cách xử lý để cho xe dừng lại.
Nguyên nhân nào dẫn đến xe mất phanh
Xác định được nguyên nhân mất phanh sẽ góp phần giúp tài xế biết cách thao tác trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc mất phanh (thắng) chính là hành động liên tục rà phanh khi lái xe trên những dung đường đèo dốc. Lúc này, nhiệt lượng sinh ra cực lớn do ma sát giữa má phanh và đĩa thắng sẽ làm cháy má phanh hoặc sôi dầu phanh gây mất áp lực. Lúc này, việc đạp phanh hoàn toàn vô dụng, bạn phải để phanh nguội dần nó mới hoạt động trở lại. Thêm vào đó, tình trạng quá nhiệt ở phanh nếu trầm trọng có thể dẫn đến lộn Cupen xy-lanh phanh và sau mỗi cú đạp phanh, dầu sẽ bị rò rỉ ra ngoài.
Nhiều vụ tai nạn ô tô liên quan đến vấn đề mất phanhNgoài ra, nguyên nhân dẫn đến mất phanh còn bị gây ra bởi hiện tượng mất áp suất dầu từ các vết nứt vỡ đường ống dẫn dầu thắng, do đường ống bị mục hoặc do ngoại lực tác dụng vào. Tuy nhiên đây là trường hợp khá hy hữu vì đường ống có cấu tạo cực kỳ chắc chắn để chịu được áp suất dầu, nên việc vỡ rất khó xảy ra, bên cạnh đó, mỗi bánh xe có một đường ống dẫn dầu riêng nên nếu bể 1 hoặc 2 ống thì các ống còn lại vẫn hoạt động bình thường. Chính vì vậy, trong quá trình sử dụng, bạn nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bộ phận này.
Xe mất phanh cần xử lý như thế nào?
Xác định được nguyên nhân xe mất phanh cùng với kiến thức về việc xử lý tình huống nguy hiểm này sẽ thao tác để đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh này.
Để hạn chế hiện tượng mất phanh, khi đi đèo dốc bạn nên dùng động cơ để hãm tốc và hạn chế đạp thắng khi xuống dốc. Với xe số sàn, có thể để số 3 hoặc 2 để xuống dốc, với xe số tự động thì nhà sản xuất tạo ra chế độ số bán tự động (số +/-) hoặc chế độ O/D, D1, D2. Các xe cao cấp hơn còn có chế độ hỗ trợ đổ đèo. Vì vậy nếu xe bạn có trang bị tính năng này, hãy tìm hiểu thật kỹ về nó và áp dụng vào thực tế khi lái xe đi đường đèo dốc.
Nhiều tài liệu và ngay cả khi đi học lái xe, chắc hẳn bạn cũng đươc thầy giáo hướng dẫn cách thắng bằng số, nhưng trên đường đèo với gia tốc lớn thì để làm được việc này người lái nên lưu ý. Trước tiên khi xe mất thắng cần giữ được bình tĩnh, bình tĩnh ở đây nghĩa là bạn sẽ lập tức quan sát 4 phía, ước lượng độ rộng của chiều ngang đường và số lượng xe phía trước, sau đó tìm đường cứu sinh được thiết kế để cho xe mất thắng đi vào. Nếu cho xe vào được đường cứu sinh thì mọi chuyện đã được giải quyết, trường hợp nếu không tìm thấy thì bạn phải thực hiện theo các trình tự sau: giậm mạnh chân phanh liên tục để ép không khí ra khỏi hệ thống dầu, khi thấy phanh dậm sát sàn hệ thống ABS sẽ kích hoạt hỗ trợ bạn và nếu may mắn phanh có thể hoạt động lại. Nếu vẫn không có tác dụng thì dưới đây là phương án B.
Đối với xe số sàn: Bạn sẽ không thể về lại số nhỏ khi vận tốc xe quá cao, hãy kéo phanh tay một lực vừa phải tránh khóa bánh sau, rồi thực hiện thao tác đạp côn ra số N, lúc này vận tốc sẽ bất ngờ vọt lên nên bạn phải thao tác thật nhanh. Đạp mạnh ga (vù ga) để động cơ đồng tốc với tốc độ, nhanh chóng dậm côn và dồn số 2, lúc này xe sẽ giựt mạnh. Thao tác y như vậy để dồn về số 1, lúc này tốc độ ở số 1 khá chậm nên bạn có thể cho xe sát vào lề và kéo mạnh thắng tay để xe dừng lại.
Với xe số tự động: Một số xe mặc định khi tốc độ quá cao hộp số sẽ tự nhảy số, nên bạn rất khó khăn để trả về số nhỏ. Khi đó hãy kéo phanh tay, kết hợp đánh tay lái qua lại (zigzac) để kích hoạt cân bằng điện tử EBD và giảm tốc cho xe, lúc này bạn mới về được số, tiếp tục thao tác như vậy để trả về số nhỏ hơn. Chú ý đừng cố trả về số R hoặc P vì hộp số được thiết kế để bạn không về được những số này khi xe di chuyển tốc độ cao.
Tuyệt đối không được tắt động cơ vì khi đó các hệ thống như trợ lực lái, trợ lực phanh, ABS, EBD … sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa và tài xế sẽ không còn làm chủ được xe. Nếu tất cả các phương án trên đều không thể giảm được tốc độ hãy đánh lái cho bánh xe lọt vào mương nước bên đường hoặc cạ thân xe vào vách núi, con lươn, ta luy đường hay bất kỳ thứ gì mà bạn thấy có thể làm xe dừng lại. Bạn cần ghi nhớ mục tiêu hàng đầu là bảo toàn tính mạng cho mình, hành khách trong xe cũng như an toàn cho các xe khác để giảm tối đa thiệt hại về người.