Sau 5 năm, xe Hàn thường hư hỏng bộ phận nào?
Tôi mua một chiếc xe Hyundai SantaFe mới vào năm 2011, trong thời gian sử dụng xe, tôi luôn thay nhớt và các bộ lọc đúng định kỳ nên hiện tại xe vẫn chạy khá trơn tru, không thấy vấn đề gì. Tuy nhiên, gần đây, tôi đọc trên diễn đàn thấy nhiều người nói là xe Hàn rất hay bị hư hỏng sau 5-6 năm đầu nên rất lo lắng. Vì vậy, tôi muốn hỏi OtoS những bộ phận nào trên xe Hàn hay bị hư hỏng và tôi có phải đi thay lại những bộ phận đó để đảm bảo an toàn không? (Gia Hưng).
Trước hết, Carmudi cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn cho chúng tôi.
Nhiều khách hàng Việt hay có "ác cảm" với các mẫu xe xuất xứ từ Hàn Quốc khi cho rằng xe Hàn chỉ "đẹp mã" nhưng không bền và hay hư hỏng. Trên thực tế, điều này có thể phần nào đúng nhưng ở thời điểm trước đây. Hiện tại, các hãng xe Hàn cũng đã bắt đầu chú trọng hơn đến chất lượng xe của mình nên sự chênh lệch về chất lượng so với xe Nhật là không nhiều.
Hình minh họa
Trong trường hợp của bạn, Chiếc Hyundai Santafe sản xuất vào năm 2011 thì tính ra vẫn còn khá mới. Nếu bạn thường xuyên bảo dưỡng đúng định kỳ của nhà sản xuất thì chúng tôi nghĩ bạn không cần phải lo lắng quá nhiều.
Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý, tuổi thọ của các bộ phận trên xe cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện môi trường và địa hình nơi bạn ở. Do đó, để đảm bào an toàn, nhất là khi đi đường xa, chúng tôi khuyên bạn nên đi kiểm tra định kì các bộ phận sau đây.
Đầu tiên là dây cuaroa cam. Bộ phận này kết nối động cơ, trục cam và trục khủy để điều chỉnh sự di chuyển của xupap trong kỳ nạp và kỳ xả. Trường hợp dây này bị đứt, truyền động từ động cơ lên trục cam sẽ mất, động cơ lập tức ngưng hoạt động, tuy nhiên trục khuỷu vẫn còn quay và đưa các piston di chuyển đập vào xupap gây nứt vỡ. Chi phí để sửa chữa không hề nhỏ vì vậy bạn nên thay nó sau 50.000km hoặc 5 năm sử dụng.
Tiếp theo là bugi đánh lửa, nhà sản xuất khuyên bạn nên thay bugi sau 50.000km hoặc 80.000km, tuy nhiên chất lượng xăng ở Việt Nam không tốt nên chủ xe cần thay bugi ở 40.000km hoặc sau 3 năm sử dụng. Khi bugi quá cũ, đầu điện cực sẽ bị mòn, dẫn đến việc xăng không được đốt cháy hoàn toàn và theo ống xả thoát ra ngoài, gây hiện tượng tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Dấu hiệu nhận biết bu-gi “đến tuổi” là hiện tượng nổ máy khó khăn, xe rung lắc trong trạng thái không tải, tắt máy đột ngột và bạn phải chi tiền xăng nhiều hơn bình thường
Một bộ phận nữa cũng thường hư hỏng sau vài năm sử dụng là má phanh. Tùy điều kiện đường bạn di chuyển mà tuổi thọ má phanh sẽ khác nhau, nếu bạn sống ở vùng cao, thường xuyên phải đi đèo dốc thì nên thay má phanh sau 5 năm sử dụng. Nếu bạn ở vùng đồng bằng thì có thể thay sau 7 năm, khi má phanh mòn, bạn sẽ phải đạp chân thắng sâu hơn. Trong tình huống khẩn cấp, điều này sẽ khiến bạn mất thêm 1 vài giây để phản ứng, hành trình chân thắng sâu hơn đồng nghĩa với việc bạn phải duỗi chân dài hơn gây mất lực đạp của chân. Hãy nhớ, khi tai nạn sắp xảy đến, 1 giây phản ứng kịp thời cũng có thể cứu sống bạn.
Rotuyn lái là cũng là bộ phận hay bị hư hỏng sau vài năm. Bộ phận này nằm trong hệ thống lái, nó được gắn chặt vào thước lái và trục bánh xe, đóng vai trò giúp bánh trước chuyển hướng. Nếu bị “rơ”, nó sẽ làm xe di chuyển bị lệch về 1 bên khi thẳng lái hoặc lúc tài xế nhấn phanh. Bên cạnh đó, mặt trong và ngoài của lốp có dấu hiệu mòn không đều và dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là phần đầu xe phát ra tiếng “cụp” của kim loại gõ vào nhau khi bạn đánh lái ở tốc độ <20km/h.
Cuối cùng là kim phun nhiên liệu, nhiệm vụ của nó là phun nhiên liệu vào buồng đốt của động cơ để bugi làm nhiệm vụ đốt cháy hỗn hợp khí và xăng. Bạn không cần phải thay thế chúng, tuy nhiên các kim phun cần làm sạch thường xuyên bằng dung dịch chuyên dụng để đảm bảo hiệu suất hoạt động tốt nhất, nếu 2 – 3 năm bạn mới súc bằng dung dịch này thì tác dụng rất hạn chế. Tốt nhất bạn nên súc định kỳ 1 lần/1 năm
Trên đây là một số bộ phận thường hư hỏng sau 5 năm sử dụng. Tất nhiên không chỉ riêng xe Hàn, mà các mẫu xe Nhật, hay xe Mỹ,...cũng thường hay mắc phải. Hơn nữa "của bền tại người", chiếc xe của bạn có bền và "khỏe" hay không còn tùy theo thói quen điều khiển xe của người lái.