Quên tắt máy khi đang đổ xăng có thể dẫn đến cháy nổ?
Để xe hoạt động trong lúc đổ xăng có thể dẫn đến cháy nổ, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.
Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đều có những quy định cụ thể về những trường hợp nghiêm cấm tại trạm đổ xăng như: Cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại và phải tắt máy trước khi đổ xăng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tài xế khá “dửng dưng” trong việc chấp hành những quy định trên, từ đó dẫn đến những mối nguy hại khó lường, gây cháy nổ và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Tại Việt Nam, không có quá nhiều trường hợp cháy nổ tại trạm đổ xăng vì lý do không tắt máy xe. Do đó, rất nhiều bác tài vẫn vô tư để máy nổ trong khi đổ xăng mà không biết rằng bản thân đang tự tạo ra mối nguy hiểm khó lường.
Theo khuyến cáo từ các nhà nghiên cứu tại Mỹ, trong lúc tiếp nhiên liệu, hơi xăng có thể lan tỏa ra ngoài không khí, đặc biệt là trong những ngày thời tiết khô và nóng bức, hơi xăng sẽ lan tỏa với hàm lượng cao và xa hơn. Do vậy, nếu như xe vẫn đang hoạt động, nhiệt độ động cơ và hệ thống truyền động sẽ nóng lên, kết hợp với tia lửa điện, từ đó dễ bắt được hơi xăng từ không khí. Đây được xem là “thời điểm hoàn hảo” để động cơ phát lửa và có thể dẫn đến cháy, nổ.
Ngoài ra, cũng theo phân tích từ các nhà nghiên cứu, khi bạn bước ra ngoài xe nhưng xe vẫn hoạt động, cơ thể bạn vẫn đang tích điện, do đó rất có nguy cơ khi cầm vòi phun xăng sẽ dẫn đến tình trạng bắt điện và cháy nổ. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Bên cạnh việc tắt máy, các bác tài cũng nên khóa cửa cẩn thận trước khi xuống xe đổ xăng. Bởi đây là khoảng thời gian “vàng” để các tên trộm cướp xe canh me lúc tài xế đang thiếu cảnh giác để “vọt” lên ô tô và chạy đi trong chớp mắt.
Bên cạnh đó, sử dụng điện thoại di động và hút thuốc cũng là hai trường hợp bị cấm hoàn toàn tại trạm đổ xăng. Tương tự với việc tắt máy xe, những hành động trên là mối nguy hiểm tiềm tàng dẫn đến cháy nổ tại trạm đổ xăng mà các bài tài cần chú ý và tự giác ý thức.