Phương pháp khởi động xe bị thủy kích, xóa tan ác mộng mùa mưa lũ
Ám ảnh lớn nhất đối với các chủ xe mùa mưa bão có lẽ là thủy kích. Việc trang bị những kiến thức bảo vệ ô tô khi gặp "vấn nạn" này là vô cùng cần thiết.
Thủy kích là gì?
Khi xe ô tô đi vào vùng ngập nước, nước sẽ tràn vào xe thông qua đường hút gió khiến xe chết máy đột ngột. Hiện tượng này được gọi là thủy kích. Trong trường hợp khi xe bị thủy kích, bạn không nên cố gắng khởi động lại xe vì rất dễ gây hư hỏng cho máy xe. Vì khi các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ cao, nước tràn vào đường hút gió và chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp nhưng nước không chịu nén nên sẽ tạo ra phản lực gây biến dạng các tay biên và piston. Tay biên cong quá sẽ bị gẫy và chọc vào thành động cơ gây hư hại.
Thủy kích thường gây hư hỏng cho động cơ xe và chi phí sửa chữa cũng rất tốn kém. Chi phí có thể dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu thậm chí là vài tỉ. Mức chi phí khắc phục tỉ lệ thuận với mức độ sang trọng của xe vì phụ tùng chính hãng có giá rất cao.
Phương pháp xử lý khi xe bị thủy kích
Nếu lỡ may “xế yêu” bị chết máy do thủy kích. Điều bạn cần nhớ là không nên cố khởi động xe. Tiếp đến bạn nên kiểm tra và đảm bảo mực nước bên ngoài không ngập quá mép cửa và có nguy cơ tràn vào khoang nội thất của xe. Bạn có thể leo ra ngoài bằng cửa sổ hoặc cửa sổ trời và không quên bật công tắc khởi động khóa điện cho cửa sổ. Một điểm cần lưu ý là bạn phải tắt máy lạnh để tránh tình trạng quạt gió chém vào nước làm gẫy cánh quạt. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên gọi cho đơn vị cứu hộ để được hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn có cách sơ cứu cho xe nếu không liên lạc được với đơn vị cứu hộ. Tùy vào xe bạn là xe máy xăng hay xe máy dầu mà có cách xử lý phù hợp
Cố gắng khởi động lại xe bị thủy kích sẽ gây biến dạng piston và gãy tay biênXe máy xăng
Đối với động cơ xăng, bạn cần mở nắp ca-pô và tháo 2 cực của bình ắc quy để tránh tình trạng chập mạch có thể xảy ra khi nước vào xe. Việc cực kỳ quan trọng là bạn phải tháo tất cả bu-gi của xe. Bu-gi luôn được thiết kế sao cho dễ dàng tháo lắp và thay đổi nên bạn sẽ không gặp khó khăn khi thực hiện. Một số mẫu xe được trang bị thêm tấm nhựa che động cơ vì vậy bạn cần tháo bộ phận này ra trước khi tiếp cận với bu-gi. Bạn có thể phải mang găng tay hoặc dùng vải để quấn quanh hai tay để tránh bị phỏng do động cơ.
Sau đó, bạn lắp lại cọc bình và khởi động động cơ. Mặc dù lúc này động cơ không hoạt động được nhưng các piston vẫn chuyển động. Nhờ chuyển động của piston mà nước sẽ được đẩy ra ngoài qua đường lắp bu-gi. Bạn cần khởi động vài lần để đảm bảo nước bị đẩy hết ra ngoài sau đó thì lắp lại bu-gi và khởi động máy như bình thường.
Xe máy dầu
Xe máy dầu không đánh lửa bằng bu-gi mà áp dụng cơ chế ép hỗn hợp dầu và không khí trong lòng xy-lanh để tạo ra lửa nhờ chuyển động của piston. Nếu như trong dầu có lẫn nhớt, thiệt hại gây ra cho xe rất nghiêm trọng. Phương pháp xử lý đối với xe máy dầu có phần phiền toái hơn xe máy xăng khi đòi hỏi nhiều dầu động cơ.
Đầu tiên bạn cần tháo nắp đậy nhớt để tạo lỗ thông hơi và mở ốc xả nhớt dưới gầm xe để nước và nhớt chảy ra ngoài. Sau đó bạn cần châm thêm nhớt để xả lại lần hai. Đối với máy dầu, thay vì tháo bu-gi như trên máy xăng, bạn sẽ tháo toàn bộ kim phun dầu trước sau đó đề máy. Lúc này, nước đọng trên xy-lanh sẽ thoát ra ngoài theo lỗ kim phun. Cuối cùng bạn chỉ cần đổ nhớt mới, lắp lại kim phun và khởi động động cơ.
Phương án phòng ngừa
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất chính là mua bảo hiểm cho xe có bao gồm gói thủy kích. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều đơn vị bảo hiểm cung cấp gói bảo hiểm này và bạn sẽ được tư vấn cụ thể khi mua xe. Mức giá của gói bảo hiểm thủy kích dao động trong khoảng từ 0,3 0,5% giá trị xe.
Cách phòng ngừa tốt nhất là mua bảo hiểm thủy kích cho xe
Một số nguyên tắc lái xe vùng ngập nước
Tháo lọc gió để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào.
Mực nước dưới 25 cm an toàn, trên đó thì không nên đi qua. Cần chú ý xe đi kế bên vì có thể nước có thể dâng cao lên do hiện tượng tạo sóng.
Tắt nút AC, để số 1, chạy đều ga ở mức vừa phải và nổ tròn máy. Xe số tự động cần chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Đối với xe số sàn, không nên đạp côn khi qua chỗ ngập nước để tránh xe bị chết máy.
Không nên tăng ga đột ngột vì nước có thể tràn qua lưới tản nhiệt và đổ vào ống hút.
Sau khi chạy qua được chỗ ngập, bạn cần lái tiếp một đoạn đồng thời rà phanh để loại bớt nước trên đĩa phanh, tiếp đến là xuống xe và kiểm tra động cơ.