Những việc cần làm sau tai nạn giao thông
Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, nếu người trong cuộc được trang bị kiến thức đầy đủ, chắc chắn sẽ giảm bớt được thiệt hại và tiết kiệm được thời gian, công sức của các bên liên quan.
Thời gian gần đây, một đoạn video với nội dung về 3 con dê qua đường gây ra tai nạn liên hoàn làm 2 người chết tại chỗ và 2 người chết trên đường cấp cứu, được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Sự việc hoàn toàn có thể tránh được những thiệt hại về nhân mạng nếu áp dụng đúng và đầy đủ những hướng dẫn sau đây:
Bước 1. Dành thời gian để trấn tĩnh
Phản ứng như nổi nóng, sợ hãi, căng thẳng, cảm thấy có lỗi là cảm xúc tự nhiên của con người sau khi xảy ra tại nạn. Trong giai đoạn này, việc bình tĩnh hơn sẽ giúp chúng ta có những ứng phó nhanh và chính xác hơn. Hãy hít một hơi thật sâu hoặc đếm đến 10 để giúp bạn hồi tâm lại trước sự việc.
Bước 2. Ở lại và giữ nguyên hiện trường
Rời khỏi hiện trường tai nạn dù chúng ta không phải phía gây ra cũng đều gây ra bất lợi cho chính mình. Theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 – 6 triệu đồng nếu gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; ngoài ra còn có thể bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 – 4 tháng.
Bước 3. Xem xét những chấn thương (nếu có):
Điều quan trọng nhất phải xem xét tiếp theo chính là xác định những tổn thương về con người nếu có, đầu tiên là bản thân chúng ta sau đó là những người khác liên quan đến vụ tai nạn. Nếu có người chấn thương, ngay lập tức sơ cấp cứu hoặc đưa đi cấp cứu.
Lưu ý: nếu một ai đó bất tỉnh hoặc có những chấn thương về phần cổ, việc di chuyển họ có thể gây ra những tổn thương nặng hơn. Chúng ta nên gọi xe cấp cứu và đợi những người có chuyên môn về y tế đưa ra những hỗ trợ cần thiết. Ngoài ra, có thể di chuyển họ đến những nơi an toàn thay vì phải nằm trên đường hoặc gần những đám cháy.
Bước 4. Báo cho cảnh sát giao thông, bảo hiểm hoặc cơ quan có thẩm quyền
Báo cho các cơ quan chức năng để lập biên bản hiện trường, dù có những va chạm nhỏ nhất. Họ sẽ đứng ra hòa giải và giúp các bên thương lượng nếu sự việc nhỏ và không quá nghiêm trọng. Và sẽ thu thập chứng cứ, cung cấp những giấy tờ cần thiết cho phía bảo hiểm để chúng ta khiếu nại bồi thường sau này.
Trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng, phía cảnh sát sẽ giúp bảo vệ hiện trường và hạn chế các phương tiện lưu thông nhằm hạn chế những va chạm khác có thể xảy ra.
Bước 5. Di chuyển phương tiện đến nơi an toàn nếu có thể
Trong một số va chạm nhỏ, tổn thất không đáng kể, chúng ta có thể di chuyển phương tiện vào phía bên trong, sát lề đường để không cản trở các phương tiện khác.
Bước 6. Bật đèn báo khẩn cấp nếu không thể di chuyển phương tiện
Nếu va chạm nặng và để giữ nguyên hiện trạng, chúng ta cần thiết bật đèn báo khẩn cấp để các phương tiện khác dễ nhận diện và chủ động phòng tránh. Đồng thời, chúng ta nên ở trong xe và cài dây an toàn trong trường hợp đang ở trên cao tốc, khả năng thiệt mạng hoặc chấn thương vì ở bên ngoài xe luôn cao hơn những người ở trong xe. Trong trường hợp phát hiện mùi xăng bị rò rỉ, chúng ta phải rời khỏi xe, hoặc chúng ta cũng có thể rời xe trong trường hợp có nơi trú ngụ an toàn ở hai bên đường.
Bước 7. Chờ cảnh sát giao thông hoặc cơ quan có thẩm quyền đến hỗ trợ xử lý tai nạn
Giai đoạn này tránh những cãi vã không cần thiết hoặc đổ lỗi cho các bên, chỉ nên trao đổi những thông tin liên lạc để sử dụng khi cần thiết. Cơ quan chức năng và bảo hiểm của các bên liên quan sẽ thương lượng và đưa ra hướng xử lý thỏa đáng nhất.