Những điều cần biết về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Hiện nay, để tham gia giao thông đúng luật thì ngoài giấy phép lái xe thì chủ phương tiện cơ giới còn phải có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Điều 6 Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định: "Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận bảo hiểm) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự duy nhất giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm".
Việc thanh toán phí bảo hiểm hoặc cam kết thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện như sau:
– Nếu phí bảo hiểm dưới 50 triệu đồng thì chủ xe cơ giới thanh toán 01 lần tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
– Trường hợp phí bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng: Chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán 01 lần, thời hạn thanh toán không quá 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
– Trường hợp phí bảo hiểm từ 100 triệu đồng trở lên: Chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp bảo hiểm việc thanh toán phí bảo hiểm như sau:
+ Lần 1: Thanh toán 50% tổng phí bảo hiểm trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm;
+Lần 2: Thanh toán 50% phí bảo hiểm còn lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
– Các hình thức để xác nhận việc đã thanh toán phí bảo hiểm là: Biên lai thu phí bảo hiểm; hóa đơn thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm; xác nhận thanh toán phí bảo hiểm của chủ xe cơ giới trên Giấy chứng nhận bảo hiểm (đối với trường hợp chủ xe cơ giới đã thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ); các hình thức chứng từ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
Trường hợp không thanh toán đủ phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm của chủ xe cơ giới sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày chủ xe cơ giới phải thanh toán phí bảo hiểm. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hoàn lại cho chủ xe cơ giới phần phí bảo hiểm đã thanh toán thừa (nếu có) hoặc yêu cầu chủ xe cơ giới thanh toán đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Nếu đã xảy ra sự kiện bảo hiểm và phát sinh trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trước khi hợp đồng bị chấm dứt thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải hoàn phí bảo hiểm.
Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bị chấm dứt thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường cho người được bảo hiểm.
Kể từ thời điểm chủ xe thanh toán đủ phí bảo hiểm và được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bằng văn bản thì hợp đồng sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Người tham gia bảo hiểm được bồi thường thiệt hại trong hai trường hợp sau:
– Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
– Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!