Những công việc cần làm khi gặp tai nạn giao thông
Khi gặp phải tai nạn giao thông, nhiều người thường khá hoảng sợ hoặc rời khỏi đó. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ cần bình tĩnh và hỗ trợ xử lý đúng cách, bạn có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Hãy gọi cho xe cấp cứu và công an ngay lập tức
Khi gặp tai nạn trên đường, đây là việc đầu tiên bạn nhất định phải làm. Luôn nhớ số điện thoại cấp cứu là 115. Các số điện thoại của cơ quan công an trên địa bàn thì có thể nhờ người dân xung quanh gọi hoặc tra cứu trên mạng internet.
Hiện nay, nếu gọi trong cùng thành phố, bạn không cần thêm mã vùng kể cả đối với điện thoại di động. Để đảm bảo thông tin chính xác và kịp thời, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh khi gọi điện thoại và nếu có thể nhờ thêm 1 người đứng bên cạnh để giúp bạn cung cấp thông tin chính xác cho bên cấp cứu và bên công an.
Các thông tin cần cung cấp gồm có:
- Địa chỉ chính xác nơi xảy ra tai nạn. Nếu bạn không chắc chắn về địa chỉ xảy ra tai nạn hãy hỏi người dân bản xứ. Nếu tai nạn xảy ra ở nơi hẻo lánh và xa khu dân cư, hãy sử dụng đến định vị trên điện thoại, và cung cấp mốc để khoanh vùng được địa điểm xảy ra tai nạn.
- Luôn nhớ cung cấp số điện thoại liên lạc cho bên cấp cứu và công an, nên cung cấp vài số. Tuy hầu hết các máy điện thoại đều có hiện số nhưng đề phòng trường hợp máy hỏng hoặc sự cố ngoài ý muốn, hoặc bạn cần phải rời đi gấp thì vẫn có cách để liên lạc với những người ở tại hiện trường.
- Cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tai nạn. Hãy mô tả chi tiết và rõ ràng nhất những gì đã xảy ra.
- Cung cấp thông tin về tình trạng nạn nhân: Có mấy nạn nhân trong vụ tại nạn, và tình trạng của từng người ra sao. Kiểm tra xem các nạn nhân có đang bất tỉnh không? Và nếu bất tỉnh thì có còn thở hay không? Quan sát xem chấn thương của nạn nhân ra sao, tập trung ở vùng nào…
- Xác định thân nhân của nạn nhân: Nếu nạn nhân vẫn tỉnh táo thì có thể hỏi thông tin của nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê hoặc thậm chí tử vong thì dự đoán tầm tuổi của nạn nhân. Có thể kiểm tra chứng minh thư hoặc giấy tờ trong người của nạn nhân nếu có.
Những việc cần làm khi chờ xe cấp cứu và lực lượng chức năng đến hiện trường
Sau khi đã cung cấp đầy đủ thông tin tai nạn cho bên cấp cứu và cơ quan chức năng hãy quan sát hiện trường để xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Quan sát tình hình xung quanh
Việc làm này sẽ giúp bạn phát hiện và ngăn chặn những mối nguy hiểm khác. Ví dụ như tình trạng rò rỉ xăng xe, động cơ vẫn đang hoạt động hoặc thậm chí là phương tiện đang bốc cháy. Nếu phát hiện xe còn đang nổ máy, hãy thử tìm cách tắt máy cho phương tiện. Nếu xuất hiện đám cháy, cố gắng tìm cách dập lửa. Tốt nhất là sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Nếu xe bị cháy do xăng, tuyệt đối không dùng nước để dập lửa.
Tuy nhiên, nên hạn chế việc tụ tập quá đông người vì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của nạn nhân và làm cản trở giao thông đi lại.
Giữ nguyên hiện trường
Đây là vô cùng cần thiết để tránh ảnh hưởng tới việc tìm nguyên nhân gây tai nạn nên cần được làm song song với việc gọi điện báo công an và cấp cứu. Nếu hiện trường làm cản trở giao thông thì cần phải đánh dấu địa điểm tai nạn trước khi cho xe vào lề đường. Đồng thời, nghĩa vụ bảo vệ hiện trường tai nạn cũng đã được pháp luật quy định rất cụ thể.
Tìm cách giúp đỡ các nạn nhân
Tuyệt đối không tự ý sơ cứu cho người bị nạn nếu bạn không có chuyên môn y bác sĩ hoặc ít nhất cũng đã học qua các lớp sơ cứu cơ bản. Việc giúp đỡ không đúng cách có thể khiến tình trạng vết thương của nạn nhân nặng hơn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Bạn nên để nạn nhân nằm yên, giữ cho nạn nhân tỉnh táo và bình tĩnh trước khi xe cứu thương đến.
Nếu rơi vào các trường hợp như phương tiện bắt lửa hoặc nạn nhân nằm giữa đường thì cần chú ý cố định cổ và phần xương nghi bị gãy của nạn nhân. Khi di chuyển không để bị vặn lưng hoặc cổ của nạn nhân. Khéo léo bỏ giúp người bị nạn những vật cản trở hô hấp của người bị nạn như mũ bảo hiểm. Khi tháo mũ nên có người trợ giúp để nâng đầu và cổ cho nạn nhân. Các thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng, và không để đầu nạn nhân bị xoay hoặc vặn.
Sơ cứu đúng cách cho người gặp tai nạn giao thông
Một thao tác quan trọng trong cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông là cấp cứu ngừng thở ngừng tìm. Trước tiên, cần kiểm tra xem tình trạng của người tai nạn có bị ngừng tim hay không?
Nếu nạn nhân đã ngừng tim thì cần ngay lập tức cấp cứu đến khi tim nạn nhân đập trở lại và thở được bình thường hoặc cấp cứu đến khi xe cứu thương đến được hiện trường. Quy trình cấp cứu diễn ra như sau:
- Bước 1: Cho nạn nhân nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay và tránh bị gập cổ.
- Bước 2: Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau phía trên ngực nạn nhân, tại vị trí tim. Lấy lực toàn thân ép mạnh lồng ngực của nạn nhân xuống. Lực ép cần đủ lớn để tạo kích thích lên tim. Nên ép khoảng 30 lần/ phút và duy trì liên tục.
Khi ép tim tốt nhất nên có 2 người luân phiên nhau để tránh bị mỏi và duy trì được thời gian cũng như lực ép tốt nhất. Không chuyển nạn nhân đi bệnh viện cho tới khi thấy tim đập lại.
Sau đó, tiến hành các thao tác sơ cứu tiếp theo. Đặt nạn nhân nằm nghiêng, một tay duỗi thẳng, 1 tay kê đầu, một chân duỗi và chân còn lại vắt chéo sang bên đối diện. Tiến hành cố định đốt sống cổ bằng cách dùng bao cát hoặc viên gạch chèn vào phía sau gáy khi nạn nhân nằm nghiêng.
Kiểm tra các vết thương hở nếu có. Với các vết thương chảy máu, dùng băng ép chặt hoặc nếu không có băng thì dùng quần áo để băng vết thương. Nếu không cầm máu kịp thời, có thể khiến nạn nhân nguy hiểm đến tính mạng. Kiểm tra các xương trên cơ thể, nếu có dấu hiệu gãy xương hoặc nghi gãy xương thì tiến hành nẹp cố định xương. Cuối cùng, nên đưa nạn nhân lên ô tô để chuyển tới bệnh viện, tránh vận chuyển nạn nhân bằng xe máy.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!