Lệnh cấm một số xe bán tải lưu thông theo giờ trong thành phố chính thức có hiệu lực
Kể từ hôm nay, ngày 1 tháng 7, quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2019 chính thức có hiệu lực. Theo đó, một số dòng xe bán tải, xe tải nhẹ sẽ bị cấm lưu thông trong thành phố theo giờ do quy định mới về khối lượng chuyên chở.
Theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2016 được áp dụng trước ngày 1/7, xe bán tải có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì được xem là xe con. Còn xe tải là xe ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép từ 1.500 kg trở lên.
Tuy nhiên, với quy định mới về khối lượng chuyên chở tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2019, một số mẫu xe bán tải, xe tải nhẹ… sẽ gặp những hạn chế trong việc lưu thông nội thành.
Cụ thể, điều 3 phần I về định nghĩa chung trong quy chuẩn mới (QCVN:41/2019) đã nêu rõ: Xe ô tô con là xe ô tô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái).
Loại xe | Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2016 trước đây | Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2019, hiệu lực từ ngày 1.7.2020 |
Xe con | Xe ôtô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg; xe ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân lớn hơn 400 kg và tải trọng toàn xe cho phép nhỏ hơn 1.500 kg. | Là xe ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái). |
Xe bán tải (xe pickup) | Xe bán tải (xe pickup), có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ hơn 1.500 kg v có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì đươc xem là xe con. | Xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con. |
Xe tải | Xe ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới từ 1.500 kg trở lên. | Là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả ô tô đầu kéo, ô tô kéo ro moóc và các loại xe như xe PICK UP, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên). |
Như vậy, xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con.
Đồng thời quy chuẩn mới (QCVN:41/2019) cũng nêu rõ: Ô tô tải (hay còn gọi là xe tải) là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả ô tô đầu kéo, ô tô kéo rơ moóc và các loại xe như xe Pickup, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên).
Với việc thay đổi quy định về khối lượng chuyên chở theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, một số dòng xe bán tải, xe van có khối lượng chuyên chở cho phép từ 950 kg trở lên sẽ được coi là xe tải. Các xe này sẽ phải tuân theo quy định về làn đường lưu thông cũng như khung giờ cấm hoạt động tại các khu vực đông dân cư, nội đô thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Theo quy định mới này, phần lớn xe bán tải đang phân phối tại Việt Nam như Mazda BT-50, Chevrolet Colorado, Mitsubishi Triton hay Toyota Hilux... vẫn được xem như xe con do có khối lượng chuyên chở dưới 950 kg, thậm chí chỉ khoảng 600 - 800 kg.
Tuy nhiên, Ranger XLS 2015 (957 kg) và một số phiên bản của Ford Ranger như Ranger XLS đời 2013 (991 kg)... sẽ được coi là xe tải. Như vậy, kể từ ngày 1/7/2020, người lái điều khiển các dòng xe này phải tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường và giới hạn giờ lưu thông.
Với các dòng xe VAN từng bán tại Việt Nam như KIA Morning, Chevrolet Spark… hay xe tải nhỏ như Suzuki Carry, hầu hết đều có tải trọng cho phép dưới 950 kg nên sẽ không bị ảnh hưởng vì luật.
Ngoài ra, một số dòng xe tải có khối lượng chuyên chở 1,5 tấn như Hyundai Porter H150, Veam Star, Tera 100 sẽ bị hạn chế lưu thông trong thành phố theo quy định mới tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2019.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!