Làm gì khi ô tô hết điện ắc quy?
Ắc quy hết điện đang là mối lo của rất nhiều tài xế. Trang bị đủ kiến thức cũng như kĩ năng câu bình kích điện ắc quy là cách để xử lý tình huống này.
Ắc quy là nguồn cung cấp điện khi động cơ ô tô chưa hoạt động. Cũng như động cơ xe máy, xe ô tô khi không được sử dụng thường xuyên hay để lâu ngày không nổ máy, hoặc tài xế ra khỏi xe mà quên tắt các thiết bị dùng điện trong xe thì nguồn điện ắc quy sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, xe sẽ không thể khởi dộng được do ắc quy không thể cung cấp đủ điện.
Trên đường di chuyển, khi gặp sự số ắc quy hết điện, nhiều tài xê rất lúng túng vì chưa có kinh nghiệm nên sẽ gọi cứu trợ. Tuy nhiên, trong trường hợp trời tối hoặc các dịch vụ sửa chữa ở xa, thì sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể khắc phục lỗi này. Vì vậy, tài xế nên nắm rõ các bước câu bình kích điện ắc quy và trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết để tự tay khắc phục sự cố này.
Trang bị dây câu bình điện trên xe
Nhiều tài xế lái xe số sàn khi thấy xe hết điện thường dùng biện pháp đẩy cho xe chuyển động và kết hợp vào số để kích điện ắc quy. Nhưng với tình hình giao thông tại Việt Nam, phương pháp này chỉ có thể được thực hiện nơi ít xe qua lại. Hơn nữa, xe số tự động không thể áp dụng cách làm này. Để an toàn, mỗi xe nên được trang bị 2 sợi dây câu bình điện để sử dụng khi gặp sự cố ô tô hết điện ắc quy.
Dây cầu bình điện gồm 2 dây, trong đó dây màu đỏ để nối cọc dương (+), dây màu đen để nối cọc âm (-). Độ dài vừa phải khoảng 2 mét, có sẳn đầu kẹp để dễ dàng sử dụng.
Bên cạnh việc trang bị dụng cụ, tài xế cũng cần nắm rõ vị trí đặt bình ắc quy trên xe để thao tác thuận tiện khi đấu nối. Các mẫu xe hiện nay phàn lớn đặt ắc quy bên dưới nắp ca pô, trong khoang động cơ. Tuy nhiên, một số mẫu xe lại thiết kế ắc quy ở khoang sau hay những vị trí ở khu vực khó tiếp cận và thường có thêm đầu kết nối với ắc quy kích.
Các bước đấu nối, kích điện ắc quy ô tô
Nhờ sự giúp đỡ từ các xe khác: Trên đường lưu thông, nếu xe hết điện, đừng ngại nhờ đến sự giúp đỡ của các xe gần đó. Đương nhiên đó phải là một chiếc xe có trang bị ắc quy đủ điện để đấu nối, kích điện trở lại.
Vệ sinh khoang động cơ, các đầu cực ắc quy: Nên dùng khăn khô lau sạch khoang động cơ cũng như vệ sinh 2 đầu cực của bình ắc quy để đảm bảo khả năng dẫn điện. Trước khi dùng dây câu bình điện, nên kiểm tra xăng dầu rò rỉ phòng tình huống các đầu kẹp chập vào nhau có thể gây cháy nổ.
Tắt các thiết bị điện trên xe: Để đảm bảo ắc quy đủ tải trong quá trình câu bình, hãy tắt các thiết bị dùng điện có trên xe.
Dùng dây câu bình: Trên các loại bình ắc quy ô tô hiện nay có kí hiệu màu đỏ hoặc dấu (+) của cực dương, thường được thiết kế lớn hơn cực âm (-). Trước tiên, dùng một đầu kẹp của dây câu bình màu đỏ nối với cực dương của ắc quy bị hết điện. Đầu kẹp còn lại của dây màu đỏ nối với cực dương (+) của ắc quy dùng để kích điện trên xe cứu hộ. Cần chú ý cẩn thận không để các đầu kẹp chạm vào nhau hay chạm vào thân xe vì có thể gây nẹt lửa dẫn đến cháy nổ.
Sau đó, một đầu dây câu bình màu đen nối với cực âm (-) trên ắc quy kích của xe cứu hộ. Đầu dây còn lại kẹp vào một bộ phận kim loại không sơn trên xe bị hết điện ắc quy.
Khởi động xe: Sau khi phần nối dây câu bình đã hoàn thành đúng, tài xế khởi động xe cứu hộ trước. Trong khoảng 3 - 5 phút hãy để động cơ hoạt động ở chế độ không tải để sạc điện cho chính ắc quy trên xe cứu hộ cũng như ắc quy trên ô tô bị hết điện. Vài phút sau, thử đề máy khởi động xe bị hết điện ắc quy. Nếu xe không khởi động được, hãy đợi thêm vài phút sau đó thử đề lại máy cho đến khi xe khởi động.
Tháo dây câu bình: Nếu xe đã khởi động được, tài xế nên thao dây câu bình cẩn thận, tránh để cho hai đầu dây chạm vào nhau có thể gây cháy nổ. Trong khoảng 10 – 15 phút hãy để động cơ khởi động, tuy nhiên đừng bật ngay các thiết bị tiêu thụ điện để đảm bảo đủ điện năng từ máy phát vào ắc quy.