Kĩ năng giữ khoảng cách an toàn khi lái xe ô tô
Giữ khoảng cách với xe phía trước là một trong những kiến thức cơ bản khi lái xe. Tuy nhiên trên thực tế, không ít “tài mới” tỏ ra lúng túng và vô tình khiến việc điều khiển xe, đặc biệt là trên cao tốc, gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết này,Carmudi sẽ làm rõ các quy định cũng như vấn đề xoay quanh việc giữ khoảng cách an toàn tối thiểu khi lái xe.
Sự cần thiết của việc giữ khoảng cách an toàn trên ô tô
Không như xe máy với tầm nhìn thoáng, người lái ô tô về bản chất đang ở trong một không gian kín nên việc nhận biết điều kiện giao thông phía trước ít nhiều gặp khó khăn. Đó là lý do việc giữ một khoảng cách an toàn nhất định được nhiều chuyên gia đánh giá là tối quan trọng khi điều khiển một chiếc ô tô. Tuy nhiên, rất nhiều “lái mới’, thậm chí là những bác tài nhiều kinh nghiệm vẫn giữ thói quen bám đuôi xe phía trước do không muốn bị một phương tiện khác chen ngang vào. Thói quen này xuất phát từ điều kiện giao thông có phần hỗn loạn cũng như ý thức giao thông chưa cao của nhiều người.
Việc tham gia giao thông ở trong thành phố, thói quen bám đuôi có thể không quá nghiêm trọng vì tốc độ không cao. Tuy nhiên, nếu mang thói quen này đi ra cao tốc hay xa lộ (nơi mà tốc độ thường ở mức 80 – 100km/h, thậm chí có nơi 120km/h) thì lại vô cùng nguy hiểm vì người lái không thể làm chủ được tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Chưa kể, khi phanh gấp với tốc độ cao phải mất một đoạn để xe có thể dừng lại. Hay thậm chí xảy ra tình huống một xe phanh gấp dẫn đến các xe phía sau không xử lý kịp và tạo nên các vụ va chạm liên hoàn, dồn toa…
Do đó, việc duy trì khoảng cách an toàn sẽ giúp cho các lái xe có đủ thời gian nhận định tình huống, đạp phanh, dừng xe hoặc chuyển làn mà không xảy ra va chạm, thậm chí giữ khoảng cách cũng phần nào giúp mở rộng tầm quan sát cho người lái nhờ giảm được việc bị xe trước che khuất tầm nhìn.
Các quy định về khoảng cách an toàn tại Việt Nam
Theo Điều 11 Thông tư 31/2019, có hiệu lực từ ngày 15-10-2019, quy định khoảng cách an toàn giữa hai xe (gồm: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng) khi tham gia giao thông trên đường bộ, trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
Tốc độ (km/h) | Khoảng cách an toàn (m) |
60 | 35 |
60 - 80 | 50 |
80 - 100 | 75 |
100 - 120 | 100 |
Thời tiết ở Việt Nam cũng thường xuyên xảy ra mưa, thậm chí là sương mù dày đặc ở các tỉnh vùng cao khiến tầm nhìn bị hạn chế. Trong trường hợp này, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được nêu ở trên.
Mức xử phạt hành chính cho lỗi không giữ đúng khoảng cách an toàn
Tại điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019 quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng khi người điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
Trường hợp người điều khiển ô tô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Các mẹo xác định khoảng cách an toàn khi lái xe thực tế
Hầu hết trên đường cao tốc hay quốc lộ đều có biển báo nhắc nhở cũng như miêu tả khoảng cách để lái xe căn cứ vào đó duy trì khoảng cách an toàn. Song, không phải đoạn đường nào cũng như không phải lúc nào lái xe cũng có thể nhìn thấy những bảng hiệu này. Do đó, người lái cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để xác định nhanh khoảng cách an toàn với xe phía trước.
Một trong những quy tắc xác định khoảng cách an toàn được sử dụng phổ biến nhất là quy tắc 2 giây. Các biến thể của quy tắc này là có thể mở rộng lên 3, 4, 5 giây tùy theo điều kiện vận hành thực tế. Tuy nhiên, phương pháp xác định là hoàn toàn giống nhau.
“2 giây” ở đây được hiểu là thời gian cần thiết để người lái nhận thức và xử lý những tình huống xảy ra phía trước (ví dụ như khi xe trước phanh gấp hoặc chuyển làn đột ngột). Cụ thể hơn, nếu giữ đúng khoảng cách an toàn thì 2 giây là thời gian để bạn nhận ra mình cần phải làm gì, sau đó mới là thời gian để phanh, đánh lái hoặc xử lý một cách phù hợp để tránh va chạm.
Vậy làm thế nào để xác định được khoảng cách 2 giây với xe phía trước? Đầu tiên, bạn nhìn vào xe trước mình chạy qua một điểm cố định nào đó như biển báo, cái cây… để làm cột mốc cho riêng mình. Sau đó bắt đầu đếm đến 2 giây. Nếu nhẩm xong mà xe bạn chưa tới mốc bạn chọn trước thì đó là khoảng cách an toàn.
Ngược lại, nếu xe tới điểm mốc trước khi đếm xong thì bạn cần nhanh chóng giảm tốc độ và chọn lại điểm mốc khác trên đường. Có một mẹo nhỏ để đảm bảo bạn đếm được chính xác 2 giây. Thay vì đếm”một”, “hai” thì hãy đổi thành “một không không một”, “một không không hai”.
Tương tự, sau khi đã hiểu về quy tắc 2 giây, người lái có thể giãn thời gian ra để có quy tắc 3 giây, 4 giây. Trong đó, quy tắc 4 giây cũng được áp dụng phổ biến trong điều kiện thời tiết xấu, mưa lớn, nhiều sương mù. Lúc này, tốc độ xe nên được giảm khoảng 10 km/h so với bình thường, kết hợp với việc sử dụng quy tắc 4 giây là đủ để người lái xử lý tình huống phía trước một cách an toàn.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!