Khám phá ưu nhược điểm của từng loại hộp số phổ biến
Giống như những bộ phận khác, hộp số cũng là chi tiết quan trọng và không thể thiếu trên ô tô. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, hộp số ngày càng phát triển với nhiều đặc điểm và tính năng mới. Cùng Carmudi đánh giá về ưu nhược điểm của từng loại hộp số để lựa chọn loại xe cho phù hợp.
Hộp số sàn
Hộp số sàn là loại hộp số ra đời sớm nhất, có cấu tạo đơn giản nhất, giá rẻ nhất và độ tin cậy cao. Xe số sàn cũng được nhận xét cho cảm giác lái chân thật hơn so với các loại hộp số khác, vì lúc này tài xế phải thuần thục nhiều thao tác, đây cũng là lý do mà các tài xế chạy dịch vụ ưa chuộng loại hộp số này hơn hộp số tự động.
Hộp số sàn sử dụng ly hợp ma sát dạng đĩa để ngắt hoặc kết nối chuyển động từ động cơ xuống hộp số. Loại ly hợp này được điều bởi người lái thông qua ly hợp (chân côn), bên trong hộp số là các trục sơ cấp (đầu vào từ động cơ), trục thứ cấp (đầu ra khỏi hộp số) và trục trung gian (đối với hộp số 3 trục). Trên các trục này là các bánh răng ăn khớp cố định với nhau tạo nên các tỷ số truyền tương ứng với từng cấp số của xe.
Khi muốn chuyển số, người lái cần đạp chân côn để ngắt kết nối từ động cơ xuống hộp số, kết hợp với nhiều thao tác trên cần số theo sơ đồ có sẵn, qua đó đưa các bánh răng gài số đến được vị trí bánh răng ứng với số truyền tương ứng.
Ưu & nhược điểm hộp số sàn
Ưu điểm
- Được coi là tiết kiệm nhiên liệu hơn hộp số tự động và CVT.
- Giá rẻ nhất trong các loại hộp số.
- Việc bảo trì, bảo dưỡng thường dễ dàng và ít tốn kém chi phí hơn.
- Cho cảm giác lái và xử lý tốt hơn.
- Mang lại cảm giác điều khiển chân thật và thú vị hơn.
Nhược điểm
Do phải thao tác nhiều, nên loại hộp số này không được tài mới ưa chuộng, đặc biệt là phụ nữ. Gây mỏi chân nếu gặp phải trường hợp kẹt xe, tắc đường vì người lái sẽ phải thường xuyên thực hiện các thao tác với hộp số, đặc biệt là “rà côn” để giữ cho xe không tắt máy khi đường đông. Việc rà côn liên tục cũng không phù hợp với những người lớn tuổi hoặc mắc các bệnh về xương khớp.
Hộp số tự động
Kể từ khi ra đời cho đến nay, hộp số tự động ngày càng khẳng định vai trò của mình trong ngành công nghiệp ô tô. Hiện nay, nhiều mẫu xe ô tô khi ra mắt ở Việt Nam đều có phiên bản số tự động. Đây cũng được xem là loại hộp số có cấu tạo phức tạp nhất.
Hệ thống sử dụng biến mô thủy lực đóng vai trò như ly hợp để ngắt và truyền chuyển động quay từ động cơ đến hộp số. Bên trong hộp số là hệ thống các bánh răng hành tinh phức tạp kết hợp với nhau để tạo nên các cấp số cho xe. Điều đặc biệt là toàn bộ quá trình lựa chọn tỷ số truyền thích hợp và sang số đều được tính toán và điều khiển tự động bởi máy tính dựa theo điều kiện vận hành của xe.
Ưu & nhược điểm hộp số tự động
Ưu điểm
- Hộp số tự động rất dễ lái, đặc biệt là những người có tay lái "yếu", chẳng hạn như phụ nữ hoặc người lớn tuổi.
- Tài xế có thể nghỉ ngơi và không cần phải thao tác quá nhiều, phù hợp khi lái xe ở khu vực đông dân cư thường xuyên tắc đường.
Nhược điểm
- Tiêu hao nhiên liệu lớn hơn so với hộp số sàn truyền thống.
- Chi phí chăm sóc bảo dưỡng và thay thế phụ kiện thường cao hơn.
Hộp số tự động vô cấp CVT (Continuous Variable Transmission)
Hộp số vô cấp CVT sử dụng một trong hai dây ròng rọc (puly) thay vì sử dụng các bánh răng thép như trong hộp số tự động truyền thống. Hộp số này không hề có các cấp số. Nhờ vào việc thay đổi đường kính của ròng rọc, hộp số này có thể thay đổi tỷ số truyền một cách êm dịu. Việc thay đổi này được điều khiển chính xác bằng máy tính và tùy theo điều kiện vận hành thực tế, tải trọng, độ dốc...
Hệ truyền động cho phép động cơ hoạt động với hiệu suất tối đa với khả năng tăng tốc liền mạch. Nó tốt cho việc tiết kiệm nhiên liệu và việc sửa chữa và bảo dưỡng không tốn kém. Tuy nhiên, động cơ tạo ra nhiều tiếng ồn khi tăng tốc và tải. Rất nhiều mẫu xe sử dụng hộp số này, và một số mẫu xe được yêu thích là Chevrolet Spark, Ford C-Max, Nissan Sentra,...
Ưu & nhược điểm hộp số vô cấp CVT
Ưu điểm
- Giữ lại được khả năng điều khiển nhẹ nhàng, thoải mái của một hộp số tự động.
- Khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn so với hộp số tự động có cấp truyền thống.
- Cấu tạo đơn giản, kích thước nhỏ và khối lượng nhẹ hơn so với hộp số tự động có cấp.
- Quá trình vận hành mượt mà, êm ái.
Nhược điểm
- Tiếng ồn khi tăng tốc cũng như chạy xe ở vòng tua máy cao.
- Dây đai trong hộp số CVT cũng không thể chịu được những động cơ có công suất và mô-men xoắn cao, do đó hoàn toàn không phù hợp đối với những dòng xe thể thao.
- Chi phí bảo dưỡng và thay thế các bộ phận bên trong hộp số CVT còn khá cao.
Hộp số ly hợp kép (DCT)
Nó là sự kết hợp giữa hai hộp số sàn, và không có bộ biến mô trong DCT. Bạn sẽ sử dụng hai hộp số riêng biệt, một cho số lẻ và một cho số chẵn. Cả hai hộp số đều có ly hợp riêng. Bạn có thể chuyển sang số cao hơn hoặc thấp hơn trong tích tắc và quá trình chuyển đổi từ số chẵn sang số lẻ và ngược lại cũng được điều khiển liền mạch, tương tự hộp số tự động.
Ưu - nhược điểm hộp số ly hợp kép
Ưu điểm
- Do thừa hưởng cả đặc điểm của xe số sàn và xe số tự động nên nó vừa đảm bảo được lực kéo phù hợp trên nhiều điều kiện địa hình, vừa tối ưu được hiệu suất hoạt động cũng như hiệu quả nhiên liệu.
- Thời gian sang số nhanh và chính xác, phù hợp cho các dòng xe thể thao. So với hộp số tự động, hộp số ly hợp kép có cấu tạo đơn giản và gọn nhẹ hơn nhiều.
Nhược điểm
- Thiết kế cũng như thuật toán phức tạp khiến giá thành của hộp số DCT còn khá đắt đỏ, chỉ phù hợp với những dòng xe hạng sang, xe thể thao hay siêu xe.
- Hộp số này không nên dùng trên quãng đường quá ngắn, phải dừng và chạy liên tục. Trường hợp lỗi quá nhiệt trên Kia Seltos là ví dụ điển hình.
- Không lái xe bằng 2 chân, tức là vừa phanh vừa ga vì việc này sẽ khiến ly hợp bị mòn nhanh hơn.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!