Gây tai nạn, tài xế có quyền bỏ trốn?
Sau những vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người hay tài sản có giá trị lớn, tài xế thường bỏ trốn. Pháp luật đang có những quy định như thế nào về vấn đề khá phổ biến này.
Thông tin về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xuyên được cập nhật và đặc biệt là luôn kèm theo về việc tài xế đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Chẳng hạn như vụ xe container bất ngờ lao thẳng vào nhà dân trên đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7 khiến 1 người tử vong. Tuy nhiên, sau đó tài xế không thực hiện trách nhiệm mà nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Trên thực tế, đây có thể được xem là quy tắc ngầm của giới tài xế mỗi khi có sự cố liên quan đến người, hay tài sản có giá trị lớn. Dưới góc độ pháp luật thì người lái xe chỉ được quyền rời khỏi hiện trường trong một vài trường hợp nhất định.
Theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008:
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
- Bảo vệ hiện trường.
- Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn.
- Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
- Bảo vệ tài sản của người bị nạn.
- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông được thể hiện rất rõ:
- Thứ nhất, phải có trách nhiệm giữ nguyên hiện trường tai nạn đồng thời tiến hành cấp cứu cho người bị nạn.
- Thứ hai, khi xảy ra tai nạn giao thông những người điều khiển phương tiện phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.
Tuy nhiên, có một số trường hợp, người gây ra tai nạn được quyền rời khỏi hiện trường:
- Tài xế bị thương phải đưa đi cấp cứu
- Tài xế đưa nạn nhân đi cấp cứu
- Tài xế cảm thấy bị đe dọa đến tính mạng
Nếu tài xế đã ở lại hiện trường nhưng bị người nhà, người dân xung quanh vây đánh, hành hung tạo áp lực, thì người gây tai nạn có thể rời bỏ hiện trường, song phải tới trình báo tại trụ sở công an gần nhất. Hành vi này không được xem là bỏ trốn.
Anh T chia sẻ: “Tài xe tải tụi em ngán nhất là lỡ va chạm với người già, trẻ em. Lỡ mà đụng một cái dân xung quanh họ ùa ra vây ghê lắm, mình đúng vẫn phải đền cho họ, có khi còn bị đánh nữa,… Đợt rồi á, em chạy xe máy ra bãi, nhóc trong hẻm nó băng ra em không để ý tông nó, nhà đó đang nhậu nữa em phải bỏ xe, bắt xe ôm ra bến xe về quê, chứ người nhà nó làm căng lắm, dân xã hội mà, mà không có tiền đền, chủ không hỗ trợ nên em phải đi 3 năm đó”.
Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn phạt bao nhiêu?
- Xử phạt hành chính
Theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thôn thì người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn bỏ trốn không đến trình báo tại cơ quan công an sẽ bị xử phạt từ 5 - 6 triệu đồng (đối với ô tô), từ 2 - 3 triệu đồng (đối với xe máy), từ 100 - 200 nghìn đồng (đối với xe đạp).
- Xử lý hình sự
Căn cứ vào Điều 260 - Tội vi phạm quy định về tham giao giao thông đường bộ, Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, người gây tai nạn rồi bỏ trốn có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 10 năm tù.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!