Dính nợ xấu có vay mua xe ô tô trả góp được không?
Suy nghĩ chung của một người là nếu dính nợ xấu thì sẽ chẳng còn cửa vay vốn lần sau, nhưng thực tế không phải như vậy. Một vài trường hợp nợ xấu vẫn được ngân hàng duyệt vay mua xe trả góp.
Thực tế, chúng ta đều biết nếu bị nợ xấu và không trả nợ cho ngân hàng đúng hạn thì rất khó khăn trong việc vay vốn lần sau. Đây là quy định chung của tất cả các ngân hàng hiện nay.
Tất cả các khoản nợ quá hạn đều được lưu trữ trong hồ sơ, vì thế mức độ cao nhất dành cho những người này là vĩnh viễn không được vay nữa. Những trường hợp khác, tùy vào từng mức độ vẫn có thể tiếp tục được vay vốn.
Carmudi sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về nợ xấu và những trường hợp nợ xấu được vay mua xe trả góp ở bài viết này.
1. Nợ xấu là gì?
Nợ xấu ( khoản nợ khó đòi) là một thuật ngữ dùng để chỉ những khoản vay từ các cá nhân, tổ chức tín dụng (ngân hàng) nhằm phục vụ nhu cầu bản thân nhưng không hoàn trả đúng thời hạn hoặc cố tình không làm theo cam kết trong hợp đồng vay.
2. Các nhóm nợ xấu
Ngân hàng nào cũng đều được cấp quyền truy cập vào hệ thống CIC (trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam) nơi lưu trữ mọi thông tin của khách hàng bị nợ xấu.
Nợ xấu được phân chia vào 5 nhóm sau đây:
Nhóm | Thời gian nợ quá hạn | Thời gian có thể vay trở lại |
Nhóm 1: Nhóm nợ đủ tiêu chuẩn | Ít hơn 10 ngày | Có thể xem xét vay ngay |
Nhóm 2: Nhóm nợ cần chú ý | Từ 10 ngày tới dưới 30 ngày | Sau 12 tháng |
Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn | Từ 30 tới dưới 90 ngày | 5 năm |
Nhóm 4: Nợ nghi ngờ bị mất vốn | Từ 90 ngày dưới 180 ngày | 5 năm |
Nhóm 5: Nhóm nợ có khả năng mất vốn | Nợ từ 180 ngày trở lên | 5 năm |
Dựa vào bảng phân loại trên, chúng ta có thể thấy những khách hàng thuộc nhóm 3, 4, 5 sẽ bị hầu hết các ngân hàng từ chối cho vay lần tiếp theo. Lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được lưu lại toàn bộ trên hệ thống ngân hàng toàn quốc trong thời hạn từ 3 - 5 năm, tính từ thời điểm khách hàng đề nghị mong muốn vay vốn.
Những ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đều lắp đặt hệ thống kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Chính vì thế, những người bị dính nợ xấu không thể vay vốn tại các ngân hàng này dưới bất kì hình thức nào. Vậy nên, điều tốt nhất nên làm là thực hiện trả nợ đúng hạn, tránh rơi vào tình trạng nợ xấu để không bị mất cơ hội xét duyệt vay vốn lần sau.
3. Kiểm tra nợ xấu như thế nào?
Cách để biết mình thuộc nhóm nợ xấu nào thì chúng ta chỉ cần truy cập vào website của trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Sau đó, điền thông tin họ tên và chứng minh thư của bản thân là có thể tra cứu được toàn bộ lịch sử vay vốn trong 5 năm gần nhất.
4. Nợ xấu có mua xe trả góp được không?
Mua trả góp là hợp đồng mua bán hàng hóa và tài sản. Ở đó, người mua sẽ thanh toán một phần nào đó, phần còn lại sẽ được trả góp hàng tháng (gồm cả lãi suất). Phương thức này dành cho những đối tượng vay tiền với các kì trả nợ gốc và lãi trùng nhau. Trong hợp đồng vay sẽ ghi rõ mỗi kỳ trả bao nhiêu tiền. Tiền lãi sẽ dựa vào số dư nợ gốc và thời hạn thực tế của kì hạn trả nợ để tính.
Những người thuộc nhóm 3, 4, 5 sẽ không được các ngân hàng và công ty tài chính duyệt cho vay mua xe trả góp. Họ phải đợi từ 3 - 5 năm mới được vay trở lại. Điều này có nghĩa là những người thuộc nhóm nợ xấu này sẽ không đủ điều kiện vay mua xe ô tô trả góp.
Nhóm nợ xấu thứ 2 cũng bị từ chối bởi các ngân hàng cho vay mua xe trả góp, chỉ có một số công ty tài chính sẽ cân nhắc cho vay dựa vào tình hình tài chính hiện tại của người vay.
Nếu chẳng may bạn nằm ở nhóm nợ xấu 2, bạn không nên gửi hồ sơ vay mua xe trả góp vào những công ty tài chính từng vay bởi khả năng từ chối là rất cao và có thể sẽ bị yêu cầu hoàn trả hết nợ cũ mới được phê duyệt khoản vay nợ mới.
Các công ty tài chính vẫn sẽ xem xét và duyệt hồ sơ lần vay kế tiếp khoảng 4 - 5 tháng cho những trường hợp bị dính nợ xấu khi mua hàng trả góp.
5. Bị nợ xấu nên vay mua xe tại các ngân hàng, công ty tài chính nào?
Hiện nay, VIB, OCB, GPBank và NamABank là những ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ những người bị nợ xấu vay mua xe trả góp. Ngoài ra, một số công ty tài chính khác gồm:
- Công ty tài chính M Credit: Đối với những khách hàng thuộc nhóm nợ xấu 1 nhưng không thường xuyên trả chậm, M Credit vẫn duyệt hồ sơ như với khách hàng thuộc nhóm nợ tốt.
- Công ty tài chính Fe Credit: Những khách hàng thuộc nhóm 1, nhóm 2, đã tất toán toàn bộ khoản nợ và phí phạt sẽ được xét đơn đăng ký mua trả góp.
- Công ty tài chính Home Credit: Khách hàng thuộc nhóm 1, nhóm 2, chứng minh thu nhập ổn định sẽ được công ty xem xét đăng ký mua trả góp.
6. Bị nợ xấu có nên vay mua trả góp?
Thực chất, những người đang bị nợ xấu thì không nên tiếp xúc vay mua xe trả góp. Mà thay vào đó hãy cố gắng trả hết nợ cũ rồi mới cân nhắc tới việc mua hàng trả góp.
Nhưng nếu bản thân rất muốn mua xe trả góp thì các bạn nên nộp hồ sơ tại các công ty tài chính có chính sách hỗ trợ đối tượng nợ xấu để có thể được phê duyệt hồ sơ vay sớm nhất.
Tất nhiên, không nên mua xe ô tô trả góp với tiền gốc lẫn tiền lãi vượt quá 50% thu nhập cá nhân hàng tháng của bản thân để không bị áp lực trả nợ "lãi mẹ đẻ lãi con" do không trả nợ đúng hạn.
Do đó, việc thanh toán nợ đúng hạn, đầy đủ là trách nhiệm và nghĩa vụ của người vay để không làm mất cơ hội vay vốn lần sau bởi nếu quá hạn 1 ngày cũng dễ bị rơi vào danh sách đen của hệ thống CIC, làm mất uy tín đối với tổ chức tín dụng.
Carmudi Vietnam là website hàng đầu trong việc cung cấp thông tin và trao đổi mua bán ô tô đáng tin cậy nhất tại Việt Nam!