Dây an toàn, bùa hộ mệnh khi lái xe
Dây đai an toàn tuy nhìn đơn giản nhưng đó là thiết bị an toàn hàng đầu có tác dụng bảo vệ mạng sống người ngồi trong xe.
Dây an toàn xuất hiện vào đầu thế kỷ 19 nhằm giúp người ở hàng ghế đầu không bị đập đầu vào kính hay vô lăng khi xe dừng lại đột ngột hoặc nếu có va chạm. Về sau, thắt dây an toàn là nguyên tắc bắt buộc khi ở trong ô tô và bộ phận này trở thành tiêu chuẩn trên tất cả các dòng xe hơi.
Một thống kê ở Thuỵ Sĩ cho thấy trường hợp bị thương nặng trong các vụ tai nạn đã giảm xuống ⅔ nhờ thắt dây an toàn. Ở Nhật Bản, 75% người được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi có va chạm, con số này lên tới 91% nếu xe bị lật. Tuy nhiên, ý thức sử dụng dây an toàn khi đi ô tô của mọi người vẫn chưa cao vì cho rằng nó vướng víu, bất tiện.
Nguyên do là vì tốc độ lái xe trong các thành phố ở Việt Nam quá thấp nên người sử dụng xe không thấy được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn. Mọi người ít có phản xạ ngồi lên xe là phải cài dây an toàn, điều này dẫn đến hậu quả khiến người lao về phía trước gây va đập mạnh do xe phanh gấp hoặc gặp va chạm. Trường hợp nặng còn có thể cướp đi sinh mạng.
Xe chạy với vận tốc càng lớn thì áp lực đối với người càng được nhân lên nhiều lần. Xe chạy với vận tốc bao nhiêu thì người ngồi sẽ bị ném về phía trước với tốc độ tương đương do lực quán tính. Xe chạy với vận tốc 70km/h thì một người có trọng lượng 70kg sẽ phải chịu lực va đập lên đến 3 tấn. Cũng cùng một người đó, nếu xe chạy với vận tốc 80km/h thì con số sẽ là 9 tấn.
Lực va chạm mạnh như vậy gây nguy hiểm tính mạng cho những người ngồi trong xe đặc biệt là người lái. Để phát huy tối đa hiệu quả của dây an toàn thì ta cần thực hiện cài dây đúng chuẩn theo các bước sau.
Các bước đeo dây an toàn đúng chuẩn:
Bước 1: Thắt dây an toàn theo 3 điểm cố định. Lúc đeo dây ngồi dựa chắc vào ghế, giữ lưng thẳng, nắm chặt và kéo phần chốt, tra khoá đến khi nghe tiếng “tách". Nếu dây bị xoắn thì phải gỡ.
Bước 2: Phần dây đai qua vai và thân người phải nằm gọn trên xương đòn và giữa ngực, không để dây ép lên cổ và mặt, sau lưng hoặc dưới cánh tay. Chú ý độ dài dây không được quá lỏng.
Bước 3: Đai dưới được kéo xuống ngang hông, đi qua phần bụng dưới và xương chậu, không kéo đai dưới lên quá cao. Đặc biệt, với phụ nữ có thai, dây đai phải kéo xuống thấp hơn, không được vắt ngang hoặc để trên bụng.
Bước 4: Kiểm tra xem dây an toàn đã được thắt chặt chưa, có gây khó chịu không. Nếu dây quá ngắn có thể sử dụng thêm phụ kiện nối dài, ngoài ra có thể dùng đệm bả vai hỗ trợ để tránh bị đau vai. Lưu ý lúc lái xe phải ở tư thế lưng thẳng, không để giữa vai và ghế có khoảng trống.