Chìa khóa thông minh có thật sự an toàn?
Trong 237 chiếc chìa khoá ôtô được khảo sát, chỉ duy nhất 3 chiếc có thể chống trộm.
Chìa khoá thông minh là xu hướng mới hiện nay bởi sự tiện dụng, hiện đại và khả năng tích hợp đa tính năng của nó. Tuy nhiên, theo ADAC (câu lạc bộ ôtô Đức), phần lớn chìa khoá thông minh có thể bị kẻ xấu sao chép tín hiệu nhằm mục đích lấy trộm ôtô.
Khảo sát của ADAC lựa chọn 237 chiếc chìa khoá để làm thử nghiệm. Kết quả cuối cùng là 230 chiếc có thể bị sao chép hoặc làm giả có chức năng giống tương tự với chìa khoá gốc. 4 chìa còn lại có thể bị sao chép một phần, có thể mở cửa hoặc khởi động xe oto. Chỉ có 3 chìa khoá của xe Jaguar-Land Rover là có khả năng chống sao chép hoàn toàn.
Trong 5 năm qua, các vụ trộm ô tô ở Anh đã tăng lên đến 47,8%, trong đó tỷ lệ xe mà cảnh sát tìm lại được là chưa đến một nửa. Các tên trộm “đánh lừa" ô tô bằng cách dùng bộ thu tín hiệu của chìa khoá thông minh khi kết nối với ô tô và sau đó khuếch đại tín hiệu. Ô tô lầm tưởng có chìa khoá ở gần xe nên cho phép mở cửa và khởi động bình thường.
Theo khảo sát của ADAC, 4 trong 5 loại xe bán chạy nhất tại Anh có thể bị kẻ trộm thu tín hiệu và làm chìa khoá giả để đột nhập vào xe, bao gồm: Ford Fiesta, VolksWagen Golf, Nissan Qashqai và Ford Focus. Chỉ có Jaguar I-Pace và các dòng xe mới nhất Land Rover Discovery và Range Rover là có độ bảo mật an toàn, ngăn cản tình trạng bị tấn công bằng tín hiệu giả.
Một số người dùng bao chìa khoá trong các loại bảo vệ làm từ kẽm để tránh tình trạng tín hiệu chìa khoá bị thu lại, tuy nhiên theo ADAC, chỉ một khe hở nhỏ cũng có thể làm tín hiệu thoát ra ngoài. Thay vì vậy, ADAC khuyên các tài xế nên ngừng kích hoạt chìa khoá thông minh của mình.
Gần đây, hãng xe BMW và Mercedes đã thêm cảm biến chuyển động vào chìa khoá thông minh, cho phép tín hiệu chỉ được phát ra khi chìa khoá chuyển động. Nếu chìa khoá được để yên ở một vị trí thì tín hiệu sẽ không thể bị thu được.