Cảnh báo mua ôtô đừng rơi vào bẫy tín dụng
Mua chiếc xe vừa tầm tiền để không bị căng thẳng khi trả lãi vay hàng tháng, khi ấy chiếc xe đúng nghĩa là tiêu sản.
Lãi tín dụng vẫn là gánh nặng hàng tháng nếu khả năng tài chính có giới hạn, buộc phải tiết giảm các khoản đầu tư khác. Ví dụ như đầu tư học hành cho con cái, chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân, nâng cao kỹ năng cũng như các chi tiêu quan trọng khác, thì phải xem xét, siết lại kỷ luật tài chính.
Tôi có anh bạn, trong gia đình thì gồm có sáu người, hai cháu học cấp ba. Anh bạn thường xuyên phải về thăm nom cha, mẹ già ở quê xa, làm nghĩa vụ của con trưởng, trưởng họ. Như vậy thì nhu cầu có ôtô riêng rất cấp thiết, phải lựa chọn xe từ bảy chỗ. Mỗi lần về quê nếu vợ, con không về cùng thì cũng ghép với anh em, họ hàng, coi như đủ chỗ.
Anh bạn không phải dân kỹ thuật và không biết gì về cơ khí, xe cộ nên quyết định mua xe mới cho yên tâm. Tuy nhiên, giá trên một tỷ thì quá cao so với thu nhập nếu mua xe 5+2 chỗ. Xe ô tô mới cỡ C phù hợp túi tiền, nhưng lại nhỏ so với nhu cầu cần chở đông người. Sau khoảng thời gian dài trăn trở, suy nghĩ bạc tóc, mụn nổi đầy mặt. Vào cuối năm 2019, với tài chính dành mua xe khoảng một tỷ quay đầu, người bạn dũng cảm quyết định mua xe cũ. Sau khi thuê người ở các gara ôtô uy tín đánh giá hộ, anh bạn chọn mua xe ô tôKia Sedona 2.2 đời 2017 chạy khoảng gần 70.000 km với giá lăn bánh trên 900 triệu đông.
Với xe này thì anh chưa thỏa mãn được đam mê. Nhưng dòng xe này lại thỏa mãn được nhu cầu của cả gia đình. Quan trọng hơn không phải vay mượn, không phải lo trả lãi, mà số lãi hàng tháng, anh dành cho cả nhà với những buổi dã ngoại, đầu tư vào học hành cho các cháu và bản thân. Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có mẫu số chung nào cho tất cả mọi người.
Do vậy lắng nghe nhu cầu bản thân, phù hợp khả năng tài chính kiếm được trong ngắn và trung hạn để đưa ra lựa chọn sáng suốt, phù hợp nhất để xe ôtô trở thành phương tiện phục vụ hữu ích, chứ không phải là gánh nặng chi trả hàng tháng.
Thật ra, ngay cả bất động sản cũng có thể trở thành tiêu sản, muốn bán cắt lỗ cũng khó trôi. Người tiêu dùng nên tỉnh táo, tiết chế sở thích, để cân bằng với thu nhập và nhu cầu, tránh rơi vào "bẫy tín dụng".