Bảo hiểm ô tô và những điều bạn cần biết khi xảy ra tai nạn - Kỳ 2
Bỏ ra một số tiền khá lớn đẻ mua bảo hiểm cho chiếc “xế cưng” thế nhưng trong trường hợp chẳng may xảy ra tai nạn hay va quẹt, chủ xe phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cũng như việc khiếu nại bảo hiểm được tiến hành nhanh chóng sau này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin sau đây.
Cách tính phí bảo hiểm ô tô
Trên thế giới tất cả các công ty bảo hiểm đều có công thức chung là (tổng giá trị xe) x (tỉ lệ phí) = tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, xe thì rất nhiều chủng loại và qua thời gian sử dụng thì giá trị cũng sẽ khác nhau trong cùng một dòng xe. Ví dụ, một xe BMW 320i đời 2013 có giá 1 tỉ 2 tương đương với Toyota Camry mới 2016, tỉ lệ ra đường gặp rủi ro của 2 xe là bằng nhau, tuy nhiên khi gặp tai nạn thì việc thay thế phụ tùng cho Toyota dễ dàng hơn vì đây là xe mới, không tính khấu hao, còn BMW là xe đã qua 3 năm sử dụng, rất khó để có thể tính toán hao mòn cho các chi tiết bị hư hỏng. Vì vậy, bên cạnh công thức chính đó cũng sẽ bao gồm những cách tính phụ được từng hãng bảo hiểm đề ra để kết quả cuối cùng thể hiện đúng giá trị và chi phí rủi ro của từng xe.
Cách giải quyết khi gặp sự cố
Khi có tai nạn xảy ra, lỗi mà nhiều bác tài mắc phải nhất là không giữ nguyên hiện trường để công ty bảo hiểm xác nhận phần lỗi thuộc về ai và đánh giá thiệt hại của phương tiện. Cũng có nhiều trường hợp chủ xe tự di chuyển xe hoặc không báo với cơ quan bảo hiểm vì đánh giá chỉ là va quẹt nhỏ và chủ quan vì xe đã mua bảo hiểm, điều này sẽ là bất lợi rất lớn khi chủ nhân muốn làm bảo hiểm cho xe mình vì không có bằng chứng là xe đã vô tình gặp tai nạn. Chính vì vậy, ngay từ khi ký hợp đồng bảo hiểm, chủ xe đã được nhắc nhở kỹ lưỡng về việc liên hệ với công an hoặc báo với công ty bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra. Trong trường hợp bắt buộc bạn phải di chuyển xe nhanh chóng khỏi hiện trường để tránh ùn tắc, nhường đường cho xe cứu thương, cứu hỏa hoặc chở người bị nạn đi bệnh viện, trước đó bạn nên chụp hình kỹ lại hiện trường từ nhiều góc để làm bằng chứng đảm bảo quyền lợi cho mình sau này.
Các bước khiếu nại bảo hiểm
Đối với các va quẹt nhỏ khi lưu thông trên đường như bị xe máy quẹt, trầy cản do cạ lề đường, đá bắn văng bể kính lái, chạy xe vào chỗ hẹp gây bể gương hậu hoặc mâm bị cạ trầy khi đậu xe sát lề …đều sẽ được công ty bảo hiểm linh động giải quyết nhanh chóng không cần thông qua các thủ tục rườm rà phức tạp.
Tuy nhiên đối với các va chạm nặng, phải thay thế nhiều phụ tùng hoặc ảnh hưởng khung sườn xe, thiệt hại có giá trị cao thì bạn phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục dưới đây để giải quyết khiếu nại bảo hiểm.
1. Giấy Phép Lái xe (Bản sao)
2. Giấy Đăng Ký xe (Bản sao)
3. Giấy chứng nhận Bảo hiểm xe ôtô (Bản sao)
4. Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn Kỹ thuật và Môi trường (Bản sao)
5. Tờ khai Tai nạn xe cơ giới (Bản chính)
6. Giấy Yêu cầu bồi thường về bảo hiểm xe cơ giới (Bản chính)
7. Sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông (Bản chính); Biên bản khám nghiệm hiện trường TNGT (Bản chính); Biên bản khám nghiệm xe liên quan đến TNGT (Bản chính); Biên bản Giải quyết tai nạn giao thông (Bản chính)
8. Biên bản xác định thiệt hại ban đầu (Bản chính)
9. Quyết định của tòa án (trong trường hợp có tranh chấp tại Toà án)
10. Các giấy tờ liên quan khác do công ty bảo hiểm yêu cầu
11. Các giấy tờ khác cho từng loại rủi ro được bảo hiểm (thủy kích, mất cắp)
Khi xảy ra tai nạn, tâm lý chung của chủ xe luôn mất bình tĩnh dẫn đến những quyết định sai lầm gây ảnh hưởng cho quá trình khiếu kiện sau này, vì vậy điều đặc biệt quan trọng là bạn phải luôn lưu số của công ty bảo hiểm, khi có tai nạn có thể gọi ngay cho họ để được hướng dẫn các bước xử lý theo đúng quy trình nhằm giảm tối đa thiệt hại.