5 loại đèn báo ít thông dụng nhưng lái xe phải biết
Dù không thường xuyên xuất hiện nhưng 5 loại đèn báo lỗi dưới đây lại rất quan trọng và bất cứ lái xe nào cũng phải biết để tránh những hư hỏng, trục trặc bất ngờ khi đang di chuyển trên đường.
Mỗi đèn báo trên bảng điều khiển của xe điều mang một ý nghĩa, chức năng riêng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa của những đèn báo này, ngay cả đối với những tài xế kinh nghiệm lâu năm.
Ở bài viết trước, Carmudi đã chia sẻ về ý nghĩa của 9 loại đèn báo lỗi thông dụng, thường xuất hiện trên bảng điều khiển. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ về ý nghĩa của 9 loại đèn báo lỗi tuy ít xuất hiện hơn nhưng vẫn rất cần thiết mà bất cứ lái xe nào cũng phải biết để xử lý lỗi trong trường hợp xe hư hỏng, trục trặc bất ngờ khi đang di chuyển trên đường.
1. Đèn bugi sấy
Do cấu tạo và đặc tính vận hành của động cơ diesel (máy dầu), đối với xe dùng động cơ này thì sau khi đậu (đỗ) thời gian dài hay qua đêm thì xe sẽ khó khởi động hoặc không khởi động được. Lúc đó người lái phải sấy nóng buồng đốt trước khi khởi động.
Trên những xe hiện nay thường có 2 cách sấy buồng đốt gồm: sấy nóng bằng cách bật chìa khoá ở vị trí nhà sản xuất đã bố trí, một cách khác dung nút bấm ở những xe có trang bị nút bấm (thường là xe tải). Khi bật chìa khoá đến vị trí sấy, hoặc bấm nút và giữ trong khoảng 7-10 giây, khi đèn báo này phát sáng trên bảng điều khiển có nghĩa là buồng đốt xe đang được sấy nóng. Sau đó, bạn khởi động như bình thường.
2. Đèn báo nước trong lọc dầu động cơ (lọc sơ cấp)
Cũng như đèn bugi sấy, đèn báo nước trong lọc dầu chỉ xuất hiện trên những dòng xe sử dụng động cơ diesel.
Đèn báo này có biểu tượng hình cốc lọc, thường có màu cam hoặc vàng. Nếu đèn này sáng sau khi động cơ đã khởi động thì có nghĩa là có nước lẫn trong nhiên liệu và mức nước trong lọc đã vượt ngưỡng cho phép. Gặp trường hợp này nếu bạn có chút kiến thức kỹ thuật thì chỉ cần mở lọc dầu ra vệ sinh cho sạch nước và lắp vào. Nếu không hết thì thay lọc mới. Trong trường hợp không tự làm được thì bạn nên đến những garage, xưởng dịch vụ để khắc phục lỗi trên.
Thông thường, sẽ không có gì nguy hiểm nếu ngay sau đó cốc lọc được vệ sinh hay thay mới. Tuy không ảnh hưởng tức thì đến chiếc xế cưng của bạn, nhưng phải khắc phục lỗi này một cách triệt để tránh ảnh hưởng đến các bộ phận khác của động cơ như: bơm cao áp, kim phun..
3. Đèn báo thiếu nước rửa kính
Khi đèn này xuất hiện trên bảng điều khiển thì có nghĩa là nước rửa kính của xe đã cạn dưới mức cho phép, bạn cần phải bổ sung nước rửa kính ngay. Vì với những đoạn đường nhiều khói bụi như: đoạn đường đang thi công sửa chữa, vùng ngoại ô, chưa được trải nhựa, hay trời đang mưa mà đúng lúc nước rửa kính bị thiếu thì thật rắc rối vì tầm nhìn người lái sẽ bị hạn chế, rất nguy hiểm.
Cách bổ sung nước rửa kính cũng rất đơn giản. Bạn mở nấp ca-pô lên, tìm bình chứa nước. Để phân biệt với những bình khác như bình nước làm mát, dầu trợ lực lái, dầu phanh, thường thì nhà sản xuất sẽ kí hiệu trên nắp bình nước rửa kính, tương tự kí hiệu trên báo trên táp-lô.
4. Đèn báo gài cầu (2 cầu chủ động)
Đèn báo gài 2 cầu thường có trên các xe việt dã SUV, những dòng xe bán tải trang bị 2 cầu chủ động mà được kí hiệu như: 4x4, 4WD hay Four Wheel Drive. Khi đèn này bật sáng có nghĩa xe của bạn đang ở chế độ sử dụng cả 2 cầu chủ động. Trên các dòng xe hiện nay, thao tác gài cầu sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào xe bạn là loại dẫn động gì. Ví du: xe bạn có hệ thống truyền động bốn bánh bán thời gian (part time 4WD) thì cách chuyển từ chế độ truyền động hai bánh (2H) sang chế độ truyền động bốn bánh (4H hoặc 4L) thực hiện thông qua cần số của hộp số phụ (transfer case) hoặc bằng nút bấm trên bảng điều khiển của xe.
Mặc khác, xe bạn có hệ thống truyền động bốn bánh toàn thời gian (full time 4WD) thì bạn cần biết được xe có công tắc khóa vi sai trung tâm hay không. Ngoài ra, những mẫu xe hiện đại ngày này thao tác gài cầu đơn giản hơn với hệ thống gài cầu điện tử. Đối với một số mẫu xe SUV của các hãng xe sang như Mercedes-Benz, Porsche, Lexus.. sử dụng hộp số tự động mà có thêm những tính năng hỗ trợ “tận răng” cho người lái thì thao tác gài cầu đã chuyển bằng việc bấm nút hoặc cần xoay núm điều khiển để đổi chế độ lái.
Như vậy, nếu chưa tìm hiểu chức năng hoạt động của chế độ dẫn động 2 cầu thì tốt nhất đừng nên sử dụng tránh phản tác dụng làm giảm hiệu suất, tuổi thọ của động cơ và các chi tiết dẫn động khác.
5. Đèn báo bật Cruise Control (ga tự động)
Trong những năm gần đây, hệ thống điều khiển chân ga tự động (Cruise Control) rất phổ biến và được hầu hết các hãng xe trang bị cho những dòng xe của mình. Thường sẽ có 3 loại ký hiệu cho đèn cảnh báo này gồm: ký hiệu hình đồng hồ có 1 mũi tên chỉ xuống ở mép ngoài, ký hiệu dạng chữ "A/D", ký hiệu chữ "CRUISE "
Hệ thống này giúp người lái sẽ thoải mái, dễ chịu hơn khi di chuyển trong những hành trình dài, ở những đoạn đường vắng hay trên cao tốc. Như vậy, những bác tài mới hoặc với những dòng xe lạ bạn lần đầu lái khi bạn vô tình bật hệ thống này mà không hay biết thì dựa vào đèn sáng trên táp-lô để tắt Cruise Control.