4 bộ phận dễ bị “bỏ rơi” khi vệ sinh nội thất ô tô
Sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của môi trường xung quanh, cùng nhiều yếu tố chủ quan sẽ làm một số chi tiết trong xe dễ ẩm mốc, bám bẩn và lâu dần sẽ có mùi nếu không vệ sinh định kỳ. Dưới đây là 4 chi tiết hay bị “lãng quên” nhất khi chủ xe tự vệ sinh xe tại nhà.
Dây đai an toàn
Dây đai an toàn là bộ phận quen thuộc và được sử dụng xuyên suốt trong các chuyến hành trình, nhưng lại rất ít người quan tâm đến. Đây là chi tiết hay tiếp xúc với cơ thể người nên lâu dần sẽ gây ra bụi bẩn, ẩm mốc và có mùi. Do đó, khi dọn vệ sinh ô tô bạn nên lau chùi đến bộ dây đai an toàn. Ngoài ra, bạn nên dùng bàn chải mềm và dung dich phù hợp để tránh dây đai an toàn bị phai màu, làm mất thẩm mỹ.
Gioăng cao su
Gioăng cao su là bộ phận đệm, giúp xe chống ồn, cách âm, ngăn các bụi bẩn, gió, nước mưa lọt vào bên trong qua các kẽ hở ở chân kính, cánh cửa ô tô…Tuy nhiên, dưới tác dụng của môi trường xung quanh, bộ phận này cũng dễ lão hoá theo gian và giảm tuổi thọ xe nếu không được chú ý vệ sinh kĩ càng. Vì vậy, bạn nên vệ sinh các gioăng cao su đều đặn. Việc làm nhỏ này không chỉ làm sạch mà còn giúp tăng tuổi thọ giúp bạn đỡ một khoản phí sửa chữa nếu nó hư hao.
Trần xe
Nhiều người nghĩ trằng trần xe là nơi ít tiếp xúc và ít đụng chạm nhất nên không cần phải vệ sinh hay lau chùi. Điều này thực sự sai lầm bởi hơi ẩm, bụi bẩn hay mùi thức ăn sẽ tích tụ và bám trên trần xe, về lâu về dài thì nấm mốc vi khuẩn sẽ làm xe có mùi hôi. Do đó, khi vệ sinh nội thất nên vệ sinh luôn cả trần xe để giúp cho khoang lái luôn sạch sẽ.
Cửa gió điều hoà
Cửa gió điều hoà là nơi hơi lạnh thổi vào khoang lái do xe lấy không khí từ bên ngoài vào, nên sẽ chứa rất nhiều bụi bẩn. Mặc dù nhiều người biết nhưng vì bộ phận này cấu tạo khá phức tạp và hơi khó lau chùi nên nhiều người thường “khó quá cho qua”. Điều này về lâu về dài làm hơi ẩm đọng lại trên khe gió rất dễ sinh nấm mốc, vi khuẩn và gây mùi khó chịu trong khoang nội thất, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
Đức Đỗ